Logo công ty mới đẹp hơn công ty cũ?
Theo cách chúng tôi nghĩ, thẩm mỹ của doanh nhân đã bước vào thế hệ mới, nghĩa là trong Logo, chim chóc và Victory (V) đã bớt đi rất nhiều. Trẻ trung và giao thương nhiều hơn, họ đã đề nghị và duyệt những Logo với đường nét đơn giản, ý nghĩa cụ thể, và có đặc thù doanh nghiệp hơn. Một số doanh nghiệp ‘đời đầu’ nay đã lớn mạnh mang theo bên mình nỗi buồn chưa thôi: đó là không thể đổi lại Logo cho xứng đáng hơn nữa, bởi vì nỗ lực mãi làm cho Logo quen thuộc không phải để rồi thay nó. Và như thế, những doanh nghiệp đời mới có thể còn bé nhưng Logo của họ đã hiện đại hơn trong cái đẹp và tiến bộ hơn trong cách nhìn rồi. Thỉnh thoảng, trên đường đi, chúng tôi gặp phải những ‘nỗi đau tình cờ’ - những Logo có đủ bó lúa, bánh răng, con tàu, đồng tiền cổ, và những tên viết tắt trúc trắc... Ngày của những Logo kể lể, may thay, rồi sẽ qua đi.Minh họa: Shutterstock
Thiết kế Logo của Nike quá đắt!
Logo của hãng Nike chả cần phải nói nhiều. Logo hình ảnh của họ chỉ là một dấu ngoặc mãnh liệt - trẻ khỏe thể thao (nhanh hơn, cao hơn, xa hơn) - không thể đơn giản hơn, rất khó đẹp hơn. Khi mặc áo Nike, ấn tượng từ Logo và các graphic minh họa còn nuôi thêm niềm hãnh diện về thẩm mỹ. Chúng tôi luôn nhấn mạnh độ cô đúc, tính cách điệu, tầm mức khái quát của biểu tượng làm người ta liên tưởng đến hình ảnh cụ thể và giản dị. Kiệm lời nhưng lại đắt về ý. Logo là bộ mặt từ đầu tiên đến cuối cùng của một doanh nghiệp. Hơn cả một giám đốc cụ thể , nó tồn tại thường trực như chính tuổi của doanh nghiệp ấy thọ. Và hơn cả một thương hiệu cụ thể, nó là hình ảnh trực tiếp của uy tín của doanh nghiệp ấy. Logo đẹp càng nhìn lâu càng đẹp, như nhìn người thương. Nghiệt ngã là ở chỗ Logo xấu càng nhìn lâu càng xấu., như cố tật một bên lòng. Có Logo đẹp, khi giao dịch với cả đối tác to, bạn cũng sẽ có thêm tự tin khi bàn tới những điều lớn lao hơn.Mixed Logo hay là giao thoa văn hóa Đông-Tây?
Từ góc độ thiết kế Logo, chúng tôi nghĩ, sự giống nhau giữa chúng ta và phương Tây là ở chỗ hồn nhiên, sự khác nhau là ở chỗ (muốn hồn nhiên như họ) chúng ta phải đi qua công thức, họ đã đi qua công thức ấy, ta thì chưa. Trải qua một quá trình dày dạn công thức, rồi… quên đi, người ta mới đi đến sự hồn nhiên thấu hiểu. Theo tiến trình giao thoa văn hóa như thể tự nhiên, các cặp phạm trù Đông - Tây, Cũ - Mới, Thuận - Nghịch... vẫn luôn làm kẻ thiết kế chúng tôi phải nghiêm chuẩn hơn khi đi tìm những giá trị phương Đông đích thực. Chịu sự ảnh hưởng không thật tốt của quảng cáo và thiết kế tiếp thị, Logo hôm nay nhiều lời hơn tuy mực thước hơn. Logo người ta cô đúc một kết luận, Logo của chúng ta giãi bày một câu chuyện. Sự hồ nghi thường trục nơi chúng tôi, là liệu đó có phải phong cách của chúng ta - Đa phong cách, hay là chưa có phong cách riêng? Và tuy hồn nhiên một cách ương bướng, Logo vẫn ít xúc động hơn xưa. Logo cách “em” của Logo chỉ một sợi tóc. Một bên thì tiết chế mãnh liệt, bên kia đầy ắp như lẩu ‘Thái Lan’. Một bên cách điệu tinh vi, một bên tả thực chi ly. Triệt tiêu hay cộng hưởng lẫn nhau là cái dù không muốn, chúng ta vẫn phải hồ hởi đón nhận và thẩm thấu trong giao thoa văn hóa hôm nay.Logo của bạn có nhìn lâu được không?
Logo như một thiếu nữ trẻ mãi không già. Logo đẹp như một thiếu nữ đẹp. Nhưng phải đẹp một cách có lý; người đẹp có thể chỉ đẹp lúc xuân thì. Khó khăn hơn, Logo phải đẹp ngay khi ra đời , và đẹp cho đến... chết - ít nhất là đẹp bằng cái đẹp của thời ấy. Khó khăn hơn nữa, kẻ sinh thành ra Logo ấy phải nghĩ đẹp nghĩ hay nghĩ thấu đáo, thai nghén vật vã, và nhuần nhuyễn kỹ năng... sinh nở! Chúng tôi muốn nói đến độ bền thẩm mỹ . Những Logo đầy ắp sự ổn định ít chứa đựng yếu tố mới. Ngược lại, những Logo thách thức những chuẩn mục thông thường bao giờ cũng tạo được ấn tượng mạnh và lạ. Đạt đến độ sâu sắc, loại Logo này bền với thời gian, không đạt đến nó trở thành Logo thời trang. Đặc thù của thời trang là... thời trang. Logo thì không phải. Vì nó còn phải mang tính dự báo. Đôi mươi năm nữa nhìn vẫn không cũ, ấy là đã thành công.Vâng, một cái Logo giá...
Như cách chúng ta hát hôm nay, hóa ra tình yêu bé quá. Cũng như thế, Logo của chúng ta chưa hào sảng, phóng khoáng; Logo vừa khát vọng đi xa, vừa loanh quanh cụ thể - chắc là Logo ấy đang thi lấy... bằng A. Là một trong những phương tiện nhận biết thế giới của cái đẹp, Logo là nghệ thuật của tín hiệu. Một ngày không có Logo, cũng chẳng ai chết liền, nhưng thế giới sẽ nghèo đi cảm xúc vô tận, bởi vì Logo không chỉ là tín hiệu kỹ thuật, mà còn biểu thị giá trị văn hóa, tình cảm. Một thế giới không nhận dạng được nhau sẽ chỉ là một thế giới vô hồn. Một thế giới design giàu màu sắc sẽ làm trường nhìn quanh ta sinh động hơn, cuộc sống đáng sống hơn, hành trang tinh thần của một dân tộc phong phú hơn.Minh hoạ: Moremar
Xã hội càng văn minh, con người càng nhạy cảm. Ngày nay, người ta nhận ra nhau đầu tiên, ngoài khuôn mặt, là Logo. Logo tượng trưng cho gu thẩm mỹ. Nhìn thấy Logo, người ta có thể hiệu chỉnh đánh giá ban đầu của mình về chủ của cái Logo ấy so với nhân tướng của họ - độ thật, độ gần, độ có học..., để chọn thái độ ứng xử linh hoạt hơn. Từ Logo sạch đến Logo đẹp, hơn thế nữa, Logo hay, là cả một quá trình hiểu, biết và làm việc, của cả doanh nhân lẫn nhà thiết kế. Và lúc đó, Logo giá bao nhiêu là điều... không lớn . Tu dưỡng từng giờ một, chúng tôi vừa ước mơ, vừa lo lắng, bỗng một ngày có khách hàng hỏi rằng: - Tôi trả cao hơn, anh chắc vẽ đẹp hơn không?Nguồn: Bài viết của TG. Nguyễn Tri Phương Đông đăng trên TheNewViet, xem chi tiết tại đây
Để lại một phản hồi