1. Chuyện kể về Logo của Đinh Hùng Tới, HSTK tham gia @Logo20online, cuộc triển lãm đang diễn ra trên không gian mạng (10-20/1/20):
Dự án thiết kế để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, có lẽ là dự án thiết kế Logo làng Thong Dong.
Ngôi làng ấy ở sâu trong rừng, cách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài, sát bên hồ Tuyền Lâm. Để đến được làng, chúng tôi phải đi thuyền trên hồ Tuyền Lâm khoảng 1 tiếng, đắm mình trong khung cảnh tĩnh lặng, yên bình ấy, vạn vật như tĩnh tại, thong dong, cùng màu xanh của nước hồ Tuyền Lâm, rừng thông rì rào, của cảnh sắc tuyệt đẹp Đà Lạt.
Nhưng ấn tượng hơn cả là những cư dân của ngôi làng này – họ là những doanh nhân, đã từng là trụ cột điều hành của nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng, nhưng giờ họ chọn về đây, để được giao hòa với thiên nhiên, để được sống chậm lại, ung dung, nhẹ nhàng với vạn vật xung quanh.
Tất cả những điều ấy là nguồn cảm hứng để tôi thai nghén ý tưởng, hình thành nên biểu tượng Làng Thong Dong hôm nay.
Hình: tác phẩm hiện đang trưng bày trong không gian triển lãm ảo
2. Chuyện kể về Logo của @Nguyễn Thu Thuỷ, HSTK tham gia @Logo20online, cuộc triển lãm đang diễn ra trên không gian mạng (10-20/1/20):
Tôi tham gia cuộc thi thiết kế logo Hội Sinh viên Việt Nam khi đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Mặc dù là sinh viên không thuộc chuyên ngành mỹ thuật nhưng tôi gắn bó với vẽ từ nhỏ và được học hỏi rất nhiều từ ông nội, cha tôi cũng như các cô, chú trong gia đình. Tôi đi làm Triển lãm, vẽ tranh cổ động khổ lớn với cha từ những năm cấp 3 và bắt đầu học thiết kế đồ họa từ năm nhất đại học, tham gia thiết kế các tạp chí như Thời trang Trẻ, Heritage…
Ở trường tôi có tham gia công tác Đoàn Thanh niên nên rất hứng thú khi tham gia cuộc thi sáng tác này. Có lẽ vì là sinh viên nên tôi hiểu rõ sự khác biệt giữa công tác Hội và công tác Đoàn. Bởi thế tôi đã lựa chọn hình tượng chủ đạo là cánh chim bồ câu tung bay trên nền xanh da trời, màu của ước mơ, tuổi trẻ, hoài bão, hy vọng.
Nhưng hình tượng cánh chim ấy cũng được tạo nên bởi ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến sức trẻ, sự nhiệt thành cho Tổ quốc, cho tương lai. Dám mơ ước, dám tiến lên phía trước. Hình tượng ấy cũng là 2 cánh tay vươn lên quấn quít, thể hiện sự đoàn kết của những con người trẻ tuổi. Ngôi sao màu trắng hàm ý sự dẫn đường chỉ lối hướng tới tương lai, cũng thể hiện tính chất đặc thù của Hội sinh viên Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội đại diện cho Sinh viên Việt Nam.
Điều khiến tôi tự hào là với việc đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác này, tôi trở thành đại biểu danh dự tham dự Đại hội Hội Sinh viên Toàn quốc lần thứ nhất, nơi tôi được gặp gỡ rất nhiều những người bạn là sinh viên tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước. Họ là những tấm gương phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Trong những lần giao lưu, có bạn đã nói với tôi
rằng họ còn nhìn thấy hình tượng một con thuyền vượt sóng khai phá những vùng đất mới. Khi công chúng tưởng tượng ra những hình ảnh mà người họa sĩ không chủ tâm gửi gắm là khi hình tượng biểu đạt đã đạt đến độ khái quát hóa, cách điệu hóa, biến thể hóa cao. Nói đúng hơn đó là hạnh phúc khi người họa sĩ tìm được tiếng nói chung và sự công nhận của công chúng.
Sau này, trở thành Giảng viên, tiếp tục công tác trong trường đại học, tôi luôn có điều kiện để gắn bó với logo này, với những con người trẻ tuổi và được truyền cảm hứng từ sự sáng tạo, nhiệt thành và sức trẻ của họ.
Hình: tác phẩm hiện đang trưng bày trong không gian triển lãm ảo.
3. Chuyện kể về Logo của @Nguyễn Thuỷ Liên, HSTK tham gia @Logo20online, cuộc triển lãm đang diễn ra trên không gian mạng (10-20/1/20):
Năm 1996 được mời tham gia cuộc thi sáng tác logo Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Tôi thấy thực sự là một thách thức với bản thân.
Từ nhỏ tôi rất gắn bó với Cung thiếu nhi Hà Nội ( trước là Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội). Ngay những năm học lớp 4 tới năm lớp 10 (1958-1964) tôi là đội viên, rồi đội trưởng đội múa rối của câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Sinh hoạt mê say trong tạo hình con rối làm phông cảnh và đạo diễn, tôi đã dẫn đội rối đi dự liên hoan sân khấu múa rối toàn miền Bắc lần thứ III và lần thứ IV và giật giải bạc về cho câu lạc bộ. Cả thời thơ ấu ngoài giờ học ở trường, chúng tôi lăn lộn dựng tiết mục đi biểu diễn và giữ trọn một sân khấu trong đêm trung thu của câu lạc bộ. Đến khi là sinh viên tôi lại trở về ngôi nhà Cung thiếu nhi Hà Nội làm phụ trách đội múa rối. Đầy ắp ký ức về nơi chắp cánh cho ước mơ tuổi thơ bay cao, bay xa, tôi bắt đầu tìm ý tưởng sáng tác.
• Khi sáng tác, một áp lực không nhỏ là tôi biết trong cuộc thi sẽ có mặt của nhiều họa sĩ gạo cội có tên tuổi từng là các anh chị phụ trách của đội vẽ Cung thiếu nhi. Thế nhưng như một nguồn sáng soi đường; hình tượng con chim non, bông hoa, trang sách đã đến trong tư duy sáng tác, tôi cứ thế nhào nặn, xoay trở, tạo tác.
• Thời điểm đó hoàn toàn vẽ tay, dựng hình bằng thước kẻ, êke và
compa. Bút chì và tẩy luôn trên tay. Nhọc nhằn nhất là lúc vẽ hình thu nhỏ, phải viết chữ bằng bút lông tỉa với chiếc kính lúp kè kè bên mắt Một điều đặc biệt nữa là lúc thể hiện mẫu dự thi tôi đã dùng giải pháp cắt dán thủ công màu ở mẫu 15×15. Tuy phải tìm kiếm giấy màu xanh cô ban khá chật vật và khi trổ chữ, dán những nét mảnh bằng panh rất công phu nhưng mẫu dựng thực sự thuyết phục.
Khi được thông báo mẫu dự thi của mình đạt giải nhất tôi khá bất ngờ, nhưng thực sự hạnh phúc và khá hài lòng với lao động của mình.
Hình: tác phẩm hiện đang trưng bày trong không gian triển lãm ảo.
4. Chuyện kể về Logo của @Nguyễn Đức Lập, HSTK tham gia @Logo20online, cuộc triển lãm đang diễn ra trên không gian mạng (10-20/1/20):
Trong 5 logo được BTC lựa chọn triển lãm Logo20, tôi muốn nói một ý về Logo Giáo dục Bình Minh.
Nếu 4 logo kia là những sáng tác đã được khách hàng đồng thuận và đưa vào áp dụng, thì Logo Giáo dục Bình Minh là phương án thiết kế không được khách hàng lựa chọn. Họ đã chọn phương án khác, cũng của chúng tôi.
Có lẽ không chỉ riêng cá nhân tôi, các NTK khác chắc cũng từng gặp trường hợp tương tự – phương án thiết kế mình ưng ý và đánh giá cao nhất lại không được khách hàng chọn khi duyệt.
Thông qua triển lãm Logo20, ngoài mong muốn được giao lưu và học hỏi về chuyên môn với các đồng nghiệp, tôi hy vọng thông qua những đánh giá khách quan, tôi có cơ hội được mở mang và hoàn thiện hơn.
Hình: tác phẩm hiện đang trưng bày trong không gian triển lãm ảo.
5. Chuyện kể về Logo của @Cao Minh Hùng, HSTK tham gia @Logo20online, cuộc triển lãm đang diễn ra trên không gian mạng (10-20/1/20):
Với tôi, Logo Hotel Du Parc Hanoi là một trải nghiệm khó quên và cảm xúc nhất, vì yêu cầu từ khách hàng là phải thể hiện được tinh thần Hà Nội – một văn hóa vừa đa dạng, sâu sắc nhưng cũng có ‘ồn ào’ – kết hợp với tinh thần Nhật Bản.
Chúng tôi đã phải thị sát, tìm hiểu tất cả các tư liệu liên quan về Kiến trúc, con người, phong cách sống, văn hóa, hồ & công viên, từ vật lý đến tâm lý chung để thể hiện.
Quan điểm khi thiết kế logo này là vì Hà Nội, phải thể hiện được Hà Nội qua mắt khách từ phương xa, chưa hiểu về, hoặc thông qua Logo họ có thể hiểu hình dung được một phần nào về HN.
Các chi tiết còn lại là các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ cần thiết.
Hình: tác phẩm hiện đang trưng bày trong không gian triển lãm ảo.
Mời các bạn vào triển lãm, click vào link vào hai khu A và B dưới đây:
Khu A:
Khu B:
Nguồn : Logo20online
Để lại một phản hồi