D’AMI giới thiệu bài viết của tác giả Trần Văn Bình “Một số đặc trưng thẩm mỹ trong Nghệ thuật Thiết kế”.
Tóm tắt
Thẩm mỹ hay Cái đẹp trong nghệ thuật nói chung đã được bàn tới từ thời cổ đại, đã định hình tư tưởng thẩm mỹ duy tâm và duy vật với các đại diện bởi các nhà thông thái Plato và Aristotle. Thời hiện đại đã có cả một bộ môn triết học bàn về thẩm mỹ, về cái đẹp – Mỹ học. Khái niệm hay định nghĩa nghệ thuật đã nhiều lần biến hóa sau những thay đổi của thời cuộc, đặc biệt từ sau Cách mạng Công nghiệp, sự thoái lui khỏi thẩm mỹ hàn lâm cổ điển hướng tới thẩm mỹ hiện đại đồng nghĩa với sự xuất hiện của tư tưởng Hiện thực chủ nghĩa và Ấn tượng chủ nghĩa mở rộng chủ đề nghệ thuật, trừu tượng hóa hình ảnh đã từng là câu chuyện mô phỏng, tả thực và tôn vinh vẻ đẹp hài hòa cân đối của “tỉ lệ vàng” …
Thẩm mỹ nghệ thuật của thời đại công nghiệp gắn liền với đời sống vật chất và sự giải thiêng của nghệ thuật hàn lâm cổ điển truyền thống nhiều nghìn năm, sự lên ngôi của nghệ thuật thiết kế sáng tạo thế giới vật chất và tinh thần cho con người. Đồ vật cũng có giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa của thẩm mỹ đồ vật được thiết kế đã bao trùm lên thẩm mỹ nghệ thuật thuần túy, bởi tác phẩm nghệ thuật hiện đại ngày nay cũng chịu sự chi phối của “tam giác tác phẩm – sản phẩm – hàng hóa” như bất kỳ đồ vật nào do con người sáng tạo cho mục đích cuộc sống.
Việc tìm hiểu đặc trưng thẩm mỹ trong nghệ thuật thiết kế là cần thiết để có thể hiểu được nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại hậu hiện đại.
- Thẩm mỹ và thẩm mỹ công nghiệp
Từ Thẩm mỹ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp αἰσθητικός (aisthetikos), có nghĩa là “thẩm mỹ, nhạy cảm, cảm tính, liên quan đến nhận thức cảm giác”. Triết học đề cập đến bản chất của vẻ đẹp và thị hiếu, cũng như triết học về nghệ thuật gọi là Mỹ học, hay Thẩm mỹ học. Cảm nhận được vẻ đẹp đã manh nha từ những tác phẩm nghệ thuật khởi thủy thời đồ đá nhưng mỹ học hay thẩm mỹ học chỉ ra đời khi khái niệm nghệ thuật đã được định nghĩa và có các nhà lý luận phê bình nghệ thuật, những chủ thể đánh giá và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. [8]
“Nhận thức cảm giác”, cảm tính chủ quan lệ thuộc khá nhiều vào ngữ cảnh, điều kiện và tố chất bản thân của người thụ cảm thẩm mỹ, “vẻ đẹp trong mắt của kẻ si tình”, mặc dù vẻ đẹp là một đặc điểm khách quan, hiển thị công khai” …chính vì thế thẩm mỹ là một khái niệm khó có thậm chí có thể nói không thể có một công thức xác định và duy nhất.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Anh quốc (The Encyclopædia Britannica), Mỹ học (Aesthetics), cũng đọc là Esthetics, hay thẩm mỹ học, là triết học nghiên cứu về vẻ đẹp và thị hiếu. Nó liên quan chặt chẽ đến triết lý nghệ thuật, bản chất của nghệ thuật và các khái niệm mà các tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ được giải thích và đánh giá. [9]
Mỹ học có phạm vi rộng hơn triết học nghệ thuật, đề cập đến bản chất và giá trị của nghệ thuật và đề cập đến những phản ứng đối với các đối tượng tự nhiên được thể hiện bằng ngôn ngữ của cái đẹp và cái xấu, các thuật ngữ dường như quá mơ hồ trong ứng dụng của chúng và quá chủ quan trong ý nghĩa của chúng.
Bàn về mối quan hệ giữa hình thức và nội dung (Relationship between form and content), Hegel cho rằng nội dung không thể tách rời hình thức và hình thức đến lượt nó không thể tách rời nội dung. Vì thế lập luận cho rằng cần phải phân biệt hình thức với nội dung là mâu thuẫn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có “hình thức” hay “diện mạo” thể hiện tính riêng tư nhất thể của nó. Khi tách biệt hình thức ra khỏi nội dung hay ngược lại và bàn luận về tính thẩm mỹ của nó là đã xóa bỏ tính nhất thể, tính riêng tư của nó. Khi đánh mất tính riêng tư cá thể của nó, nội dung mất đi tính hiện thực thẩm mỹ của nó, biến thành một thứ khác không còn là nguyên tác.
Nhà phê bình văn học người Mỹ Cleanth Brooks từng cho rằng ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật (đặc biệt là thơ ca) có thể được diễn giải chỉ bằng chính hình thức cấu trúc của nó. Ý nghĩa một bài thơ được gắn kết với cách bố cục cụ thể của các từ – âm thanh, nhịp điệu và cách sắp xếp của chúng – nói ngắn gọn, với “hiện thân cảm giác” (“sensory embodiment”) do chính bài thơ cung cấp. Thay đổi cấu trúc bố cục từ ngữ đó là tạo ra một bài thơ khác (và do đó có nghĩa khác) hoặc một cái gì đó hoàn toàn không phải là một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản, và do đó hoàn toàn thiếu ý nghĩa mà các tác phẩm nghệ thuật được đánh giá. Do đó, không một bài thơ nào có thể dịch được. [9]
Hình thức (Form) biểu hiện và biểu đạt là một phần nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, nó không chỉ là nội dung được người thụ cảm chú ý hiểu (hoặc hiểu sai). Ngoài ra còn có hình thức, bằng thuật ngữ mà chúng ta có thể biểu thị tất cả các đặc điểm đó của một tác phẩm nghệ thuật mà nó tạo nên tính thống nhất và tính riêng tư của nó như một đối tượng của trải nghiệm giác quan.
Clive Bell, (1881-1964), nhà phê bình nghệ thuật người Anh gắn liền với chủ nghĩa hình thức (formalism), đã phát triển lý thuyết nghệ thuật được gọi là Hình thức hàm nghĩa (Significant form) và cho rằng hình thức là bản chất của nghệ thuật và hình thức đó phải được hiểu và do đó có thể hiểu được (tức là có ý nghĩa). Theo đó đặc điểm phân biệt của nghệ thuật là hình thức. Việc nghiên cứu hình thức phải liên quan đến việc nghiên cứu nhận thức của chúng ta về hình thức.
Rudolf Arnheim (1904-2007), nhà lý thuyết nghệ thuật và điện ảnh người Đức, đồng thời là nhà tâm lý học tri giác, trong tác phẩm Nghệ thuật và Nhận thức Thị giác (Art and Visual Perception, 1974), Arnheim cố gắng dùng khoa học để hiểu rõ hơn về nghệ thuật và nhấn mạnh về “Hình dáng tốt” (“Good Gestalt”) là có hiệu quả, nhưng hình thức và nội dung là không thể phân chia nên không thể khẳng định “Gestalt tốt” đã bao quát toàn bộ chủ đề vô cùng phức tạp của hình thức tác phẩm nghệ thuật.
Vậy thì tác phẩm nghệ thuật là gì, và mối quan hệ của nó với các đối tượng mà nó được thể hiện ra sao? Những câu hỏi này đã được thảo luận bởi Richard Wollheim (1923-2003), nhà triết học người Anh, trong Nghệ thuật và những đối tượng của nó (Art and Its Objects, 1968), một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất TkXX về mỹ học triết học. Wollheim lập luận rằng các tác phẩm nghệ thuật là “loại/kiểu” (type) và hiện thân của chúng là “mã thông báo hay dấu hiệu” (tokens). Nelson Goodman, triết gia Mỹ, trong Ngôn ngữ của nghệ thuật (Languages of Art, 1968, 1976), một trong những tác phẩm quan trọng nhất của mỹ học TkXX theo truyền thống phân tích, phát triển lý thuyết ký hiệu học của ông về một hệ thống ký hiệu để thông diễn sự khó hiểu của nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật. [9]
Thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật biểu đạt qua các ký hiệu và luôn là vấn đề được ưu tiên đặt ra để xem xét giá trị của nó. Vậy thẩm mỹ của những sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực MTƯD thể hiện ở những dấu hiệu hay tín ký hiệu nào? Khi mà sản phẩm thường được tạo ra từ nhu cầu vật chất của con người và được phân loại về mức độ thông dụng thành ba nhóm liên quan tới mức độ kỹ thuật để từ đó định mức thẩm mỹ bên cạnh công năng vật lý của chúng, điều phân biệt với tác phẩm nghệ thuật tạo hình, và để một sản phẩm công nghiệp ngày nay được coi như một tác phẩm nghệ thuật hòng áp dụng những lý thuyết thẩm mỹ học hay ký hiệu học để phán đoán trải nghiệm thẩm mỹ đối với chúng vẫn luôn là vấn đề được tranh luận, không chỉ ở Việt Nam, lý luận mỹ học cho lĩnh vực nghệ thuật thiết kế còn hạn chế, phải tới giữa TkXX mới có thêm khái niệm thẩm mỹ công nghiệp để luận bàn, xem xét vẻ đẹp hay thẩm mỹ sản phẩm.
Ký hiệu hay dấu hiệu thẩm mỹ như vậy rất đa dạng và được trải nghiệm ở thế giới đồ vật, sản phẩm thông qua “ngoại hình” hay “diện mạo” của chúng với những đặc trưng bởi những hình thức hết sức đa dạng. Đó là những hình thức đã trở nên quen thuộc và mặc định bởi bản sắc văn hóa trở thành thẩm mỹ có tính truyền thống, phản chiếu qua lối sống ở môi trường có những chất liệu thiên nhiên thân thuộc và những và thiết chế xã hội trải dài trong lịch sử dân tộc đã định hình như phong cách dân gian truyền thống. Đó cũng có thể là hình thức nhận dạng được bởi đặc trưng công nghệ chế tác thủ công hay công nghiệp, thậm chí đặc trưng bởi triết lý nghệ thuật đã đúc kết qua quá trình sáng tạo thế giới kiến trúc và đồ vật. Là những phong cách có tính lịch sử của một thời kỳ đã qua định hình như một phong cách thời đại hay chỉ là phong cách nghệ thuật được mặc định bởi cá nhân hay nhóm nghệ sĩ một giai đoạn ngắn nào đó, đặc biệt trong thời hiện đại TkXX khi khái niệm nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ có những đổi thay căn bản.
Người ta chỉ nói đẹp khi trong họ cảm thấy hài lòng vui sướng thích thú. Như kiến trúc sư Vitruvius thời La Mã cổ đại đã đưa vào trong tiêu chí của thiết kế kiến trúc: “Bền vững, Tiện lợi, Đẹp/Thích thú”. Đối với những đồ vật được coi là đẹp sẽ làm người ta luôn muốn có ở bên mình hoặc gặp lại, trở lại với chúng. Ta nói đẹp tức là khi chúng ta nhìn thấy hoặc được biết về cái đẹp ấy. Một vật tiện dụng có khi không được đẹp, một vật đẹp (hay được coi là đẹp) có khi lại không tiện dụng. Hoàn mĩ tức là đã đẹp lại tiện dụng. Tuy nhiên khi phải lựa chọn giữa hai thứ thì để đáp ứng nhu cầu vật chất người ta chọn lấy đồ vật tiện dụng, mặc dù như thế chưa làm thỏa mãn con người bởi nhu cầu thị mĩ chưa trọn vẹn.
Mỗi một sản phẩm hữu dụng khi được thiết kế tự thân không nói lên lý tưởng hay tinh thần cao siêu nào như một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ là kết quả hiện thực của ý đồ trước đó. Ý tưởng tác động của sản phẩm ở chỗ nó đại diện cho đương đại, là sản phẩm của thời đại và với chất lượng và giá trị của mình nó minh họa lại xã hội, nền kinh tế và đời sống văn hóa.
Những yếu tố thẩm mỹ của kiến trúc và đồ vật thông dụng từ ngàn xưa đã gắn liền với hình thức có tính trang trí của thế giới vật chất và vô cùng đa dạng, phong phú thể loại ở những vùng địa-văn hóa khác nhau trên thế giới. Chúng cũng là tiền đề để hình thành các loại hình nghệ thuật/mỹ thuật, cả nghệ thuật tạo hình (fine art) cho tới nghệ thuật công năng (functional art) khi được tách bạch về loại hình cũng từ thời Phục hưng, điều mà mỹ thuật phương Đông không quá coi trọng, bởi quan niệm hiển nhiên về sự gắn bó khó tách rời của mỹ thuật trang trí trong MTƯD là dòng chảy liên tục, không đổi, có chăng là sự tiếp nhận và biến hóa, chấp nhận thêm những loại hình mỹ thuật/nghệ thuật hiện đại vào đời sống văn hóa đã phát triển dòng mỹ thuật truyền thống lâu đời riêng biệt của mỗi dân tộc.
Thời hiện đại sản phẩm công nghiệp hàng loạt ra đời không chỉ do ý chí của nhà thiết kế mà còn phụ thuộc nhà sản xuất ở trình độ kỹ thuật công nghệ sản xuất và xu hướng thời thượng của thị trường. Vì vậy vẻ đẹp sản phẩm công nghiệp lệ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (sản xuất/chế tác, tiêu dùng/sử dụng) chứ không hẳn quan điểm thẩm mỹ cá nhân chủ quan của nhà thiết kế.
Jacques Viénot (1893-1959), nhà thiết kế người Pháp đã đóng góp vào việc thành lập ICSID (International Council of Societies of Industrial Design), một tổ chức quốc tế về thiết kế công nghiệp gọi là Hội đồng Quốc tế về Thiết kế Công nghiệp, sau được đổi tên thành Tổ chức Thiết kế Thế giới – World Design Organization – WDO). Jacques Viénot từ năm 1952 đã cùng một ủy ban bao gồm các kiến trúc sư, nhà công nghiệp, nhà thiết kế tạo mẫu, triết gia thuộc Viện Thẩm mỹ Công nghiệp (IEI) đã ban hành một bộ quy tắc đạo đức gọi là “Quy tắc Thẩm mỹ Công nghiệp” nhằm mục đích chuẩn hóa thực hành nghề thiết kế tại Pháp. Các quy tắc này, mặc dù các ngành nghề thiết kế ngày nay đã phát triển rất nhiều các công cụ và phương pháp riêng, vẫn là một cơ sở phổ biến để thiết kế các sản phẩm chất lượng cả về công năng và thẩm mỹ. Đặc biệt từ đây xuất hiện khái niệm Thẩm mỹ Công nghiệp hay Mỹ học Công nghiệp (Industrial Aesthetics).
“Quy tắc Thẩm mỹ Công nghiệp” (The laws of industrial aesthetics) bao gồm 13 quy tắc:
“1. Quy tắc kinh tế (Law of economy): hiệu quả chi phí của phương tiện và nguyên vật liệu (giá thành tối thiểu), miễn là điều này không làm giảm giá trị chức năng hoặc chất lượng của sản phẩm, là yếu tố quyết định vẻ đẹp hữu ích.
- Quy tắc về khả năng sử dụng và giá trị chức năng của sản phẩm (Law of aptitude to the product’s use and functional value): chỉ những sản phẩm thích nghi hoàn hảo với chức năng của chúng (và được công nhận là khả thi về mặt kỹ thuật) mới được coi là có vẻ đẹp công nghiệp. Thẩm mỹ chức năng bao hàm sự hài hòa mật thiết giữa chức năng và diện mạo.
- Quy tắc thống nhất và bố cục (Law of unity and of composition): để tạo thành một quần thể hài hòa, các bộ phận khác nhau cấu thành một tổng thể hữu ích phải được quan niệm tương ứng trong mối quan hệ với nhau và trong mối quan hệ với tổng thể.
- Quy tắc hài hòa giữa ngoại hình và công dụng (Law of harmony between appearance and use): trong tác phẩm tuân theo quy tắc thẩm mỹ công nghiệp không bao giờ có mâu thuẫn mà luôn hài hòa giữa sự hài lòng về mặt thẩm mỹ của người chiêm ngưỡng khách quan và sự hài lòng về mặt thực tế của người sử dụng tác phẩm.
Tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp đều tạo ra vẻ đẹp.
- Quy tắc về phong cách (Law of style): việc nghiên cứu các đặc điểm thẩm mỹ của một tác phẩm hoặc một sản phẩm công nghiệp phải xem xét khoảng thời gian thông thường mà nó phải được thích nghi.
Một tác phẩm hữu ích chỉ có thể được khẳng định là có vẻ đẹp lâu bền nếu nó được hình thành mà không bị ảnh hưởng bởi tính thời trang.
Từ các đặc điểm thẩm mỹ của các tác phẩm hữu ích, một phong cách thể hiện thời đại của chúng.
- Quy tắc tiến hóa và tính tương đối (Law of evolution and relativity): thẩm mỹ công nghiệp không có chung cuộc: nó phát triển không có điểm dừng và bất biến.
Vẻ đẹp của một tác phẩm hữu ích là một chức năng của những tiến bộ công nghệ được sử dụng để tạo ra nó.
Tất cả các kỹ thuật mới đều cần một thời gian hoàn thiện trước khi đạt đến đỉnh cao của biểu hiện thẩm mỹ cân đối và điển hình.
- Quy tắc thị hiếu (Law of taste): thẩm mỹ công nghiệp được thể hiện qua cấu trúc, hình thức, sự cân đối về tỷ lệ, đường nét của tác phẩm. Việc lựa chọn vật liệu, chi tiết thể hiện, màu sắc, liên quan nhiều hơn đến thị hiếu, phải bổ sung cho phù hợp với Quy tắc kinh tế.
- Quy tắc của sự hài lòng (Law of satisfaction): các thuộc tính truyền đạt vẻ đẹp cho một tác phẩm phải tự thể hiện cho tất cả các giác quan của chúng ta: không chỉ thị giác mà còn cả thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác.
- Quy tắc vận động (Law of movement): những thiết bị máy móc có mục đích chuyển động (bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt) thể hiện trong chuyển động đó những đặc điểm cơ bản về tính thẩm mỹ có thể tìm thấy. Ngoài Quy tắc về tính phù hợp để sử dụng và công năng (2) và Quy tắc hài hòa giữa hình thức và công năng sử dụng (4), giờ đây cần thêm yếu tố hành vi của tác phẩm liên quan tới các yếu tố dữ kiện khác (môi trường) sẽ chi phối chuyển động của nó (mặt đất, nước, không khí).
- Quy tắc thứ bậc và tính chung cuộc (Law of hierarchy and finality): thẩm mỹ công nghiệp không thể không tính đến tính chung cuộc (công dụng cuối) của tác phẩm được sản xuất công nghiệp.
Một hệ thống cấp bậc đạo đức được thiết lập một cách tự nhiên. Những sản phẩm công nghiệp có mục tiêu thiết yếu chứa đựng đặc tính cao quý và được định sẵn để giúp nhân loại tiến bộ hoặc tác động tích cực đến cấu trúc xã hội sẽ có xu hướng thuận lợi. Mặt khác, các sản phẩm có mục tiêu là hủy diệt nhân loại sẽ không có quyền yêu cầu sự ngưỡng mộ hay đòi được bảo tồn.
- Quy tắc thương mại (Commercial Law): thẩm mỹ công nghiệp được ứng dụng chính trên thị trường thương mại. Quy tắc nhu cầu cao nhất có thể từ người mua không được làm giảm giá trị của các quy tắc đã xác được xác định trong Bộ Quy tắc Thẩm mỹ Công nghiệp.
Doanh số sẽ không được coi là tiêu chí cho giá trị thẩm mỹ. Khi được xem xét, việc bán hàng sẽ chứng tỏ sự bình đẳng giữa người sáng tạo và người mua, bất kể giá cả.
- Quy tắc liêm chính (Law of integrity): thẩm mỹ công nghiệp bao hàm sự chính trực và chân thành trong lựa chọn chủ đề và vật liệu.
Một tác phẩm công nghiệp không thể được coi là đẹp nếu nó chứa đựng bất kỳ yếu tố lừa dối hoặc gian dối nào.
Tuy nhiên, tất cả các vật liệu che phủ và phụ kiện cần thiết cho hoạt động của tác phẩm đều hợp pháp miễn là chúng thể hiện chức năng thiết yếu của vật thể và không dùng để che đậy các vật liệu hoặc bộ phận làm ảnh hưởng đến việc sử dụng hoặc giá trị của vật thể đó.
- Quy tắc nghệ thuật hàm ý (Law of implied arts): thẩm mỹ công nghiệp liên quan đến đầu vào của tư tưởng nghệ thuật được bao hàm trong cấu trúc của tác phẩm.
Khác với cách trang trí tùy tiện hoặc giả tạo ít nhiều của nghệ thuật ứng dụng, nghệ thuật liên quan đến thẩm mỹ công nghiệp có thể được coi là ngụ ý rõ ràng trong mô hình được sản xuất để tạo nên sự thẩm thấu với kỹ thuật này.” [7]
Thẩm mỹ sản phẩm công nghiệp, giá trị thẩm mỹ sản phẩm công nghiệp đã hình thành ngay trong quá trình thiết kế, đã phải tuân thủ Quy tắc Thẩm mỹ Công nghiệp. Những nguyên lý thiết kế và quy tắc thẩm mỹ công nghiệp, mỹ học công nghiệp hay thẩm mỹ sản phẩm công nghiệp là chung cho mọi lĩnh vực nghệ thuật thị giác và kết quả thẩm mỹ đạt được của thiết kế còn là kết quả của quá trình chế tạo, sản xuất, lệ thuộc nhiều vào năng lực công nghệ sản xuất, trình độ kỹ thuật và tay nghề người lao động.
Xem xét đặc điểm thẩm mỹ sản phẩm của nghệ thuật thiết kế vì thế cần tiếp cận từ hai góc độ: chức năng thẩm mỹ tự trị và chức năng thẩm mỹ giao tiếp của J. Mukařovský khi bàn về chức năng của tác phẩm nghệ thuật nói chung, nghệ thuật thiết kế nói riêng, một sản phẩm hay một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng bên cạnh công năng vật lý là chức năng thẩm mỹ:
- Luôn tồn tại chức năng thẩm mỹ tự trị (tự thân) hay thẩm mỹ dự định của sản phẩm/tác phẩm nghệ thuật thiết kế mới chưa sử dụng hoặc đã được dùng nhưng ở trạng thái không sử dụng, còn gọi là giá trị bản thân của tác phẩm.
- Khi vật dụng (sản phẩm hay tác phẩm) được sử dụng vì nhu cầu hay cho một mục đích nào đó hoặc khi tác phẩm nghệ thuật đã đặt đúng chỗ của nó, là nó đang thực hiện chức năng thẩm mỹ giao tiếp. Chức năng giao tiếp có thể làm thay đổi giá trị bản thân hay chức năng tự trị của tác phẩm/sản phẩm. Trong môi trường và tình huống sử dụng cụ thể sẽ tạo ra trải nghiệm thẩm mỹ mà thẩm mỹ dự định khi thiết kế sẽ trở thành giá trị thẩm mỹ giao tiếp của sản phẩm. Quan niệm vẻ đẹp hay giá trị thẩm mỹ giao tiếp mỗi thời mỗi khác, cùng với thời gian nó trở thành phong cách thẩm mỹ của cả một thời đại hay đặc trưng cho bản sắc văn hóa của một dân tộc, quốc gia, vùng miền, tôn giáo.
Những giá trị thẩm mỹ có chủ đích trở thành cái gọi là phong cách nghệ thuật và mỗi thời hay mỗi trường phái lại có tên gọi khác nhau đã định danh ngay lúc hình thành hay chỉ được đánh giá hay thừa nhận sau đó. Bên cạnh việc tuân thủ Quy tắc Thẩm mỹ Công nghiệp bởi đa số sản phẩm được sản xuất bằng phương thức công nghiệp thì cụ thể hóa dấu hiệu thẩm mỹ công nghiệp đối với sản phẩm công nghiệp vẫn luôn là câu hỏi để ngỏ mà các nhà thiết kế luôn có các quan niệm và triết lý khác nhau.
- Thẩm mỹ thiết kế đặc trưng bởi mốt, hiện đại, phong cách
Khái niệm mốt (mode) và hiện đại (modern) được đánh dấu bằng những vật thể hay những tư tưởng mà trong một thời gian hay một thời kỳ được coi là mới nhất. Cả hai khái niệm có cùng nguồn gốc và đôi khi lẫn lộn nhau. Tuy nhiên khái niệm hiện đại không bị trùng lặp với mốt, bởi vì cái mới nhất không có nghĩa đã là tốt nhất, cần kiểm chứng, nhưng hiện đại còn có nghĩa tốt, còn giữ lâu tính chất mới mẻ, tiên phong cho đến khi có những thay đổi cả về nội dung lẫn bản chất của nó. Những thay đổi mà chúng ta coi là đổi mốt thì thường chỉ là những thay đổi về mặt hình dáng hay hình thức và thường thay đổi theo xu hướng tâm lý tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo, tiếp thị.
Khát vọng và cá tính con người thích cái mới, cái khác thường đã sản sinh ra mốt. Mốt được coi là thỏa mãn nếu như trong một khoảng thời gian, một thời kỳ nào đó nó giữ được hình thức đặc trưng của nó. Tuổi thọ của mốt do đó rất khác nhau. Có khi rất dài nhưng thường thì rất ngắn.
Mặt trái của mốt là ở chỗ sau thời gian thịnh hành, bị bỏ rơi và mốt mới xuất hiện gây nên chi phí tốn kém. Đôi khi người ta không còn đủ sức chạy theo mốt nữa vì luôn cảm thấy bị lạc hậu. Dĩ nhiên mốt là biểu hiện của sự sung túc, đầy đủ, sự giàu có. Chỉ có những người không có điều kiện kinh tế là chịu thiệt thòi và gánh chịu hậu quả nếu cố chạy theo mốt. Nói như thế không có nghĩa người ta chấp nhận đứng ngoài mốt, ngoài những trào lưu mới, những phong cách mới bởi vì chỉ những mốt nào chứa đựng nhiều nghịch lý và những hạn chế mới nhanh chóng trở nên lỗi thời, không đáp ứng nổi nhu cầu thị hiếu của cộng đồng và sớm bị phế bỏ. Còn ngược lại thì mốt bao giờ cũng là mốt, thậm chí còn là mốt khi hoài niệm một phong cách cũ, người ta quay trở lại một mốt xưa.
Nói tới mốt (mode) người ta hay nghĩ tới thời trang fashion như một hình thức thể hiện bản thân với quần áo, giày dép, phụ kiện, trang điểm, kiểu tóc và phong thái tư thế cơ thể tự chủ tại một thời kỳ và địa điểm cụ thể và trong một bối cảnh cụ thể, nhưng thực ra khái niệm mode và tính thời trang có độ phủ rộng hơn hình ảnh trang phục thuần túy, nó bao hàm ý niệm hình thức biểu hiện lối sống thời thượng của một bộ phận xã hội. Và vì là mốt và thời trang nên nó có những nét đặc trưng như tính tương đối, hay thay đổi, tính chu kỳ vì dễ lặp lại, tính phi lý vì bị lôi cuốn theo cảm xúc của con người và không phải lúc nào cũng phù hợp với logic thông thường…
Khái niệm hiện đại trong thẩm mỹ công nghiệp, thẩm mỹ sản phẩm công nghiệp hàm ý việc sản phẩm được chế tạo bằng những công nghệ mới nhất, tiên tiến, “hiện đại” nhất, là những sản phẩm đi cùng với những phát minh, sáng chế mới nhất, được cấu tạo bởi những loại vật liệu mới nhất…
Phong cách thời đại hay phong cách sống là phản ánh, là hình ảnh của tình trạng xã hội hay chính là kết quả của tình trạng sản xuất. Để tạo nên phong cách thì chính nhà thiết kế và người sản xuất, người tiêu dùng bằng công việc và hoạt động hàng ngày của mình đã tạo ra phong cách. Điều đó đôi khi tự bản thân họ không ý thức được.
Trong nghệ thuật nói chung, phong cách (style) là một trong những khái niệm phê bình quan trọng của các nhà viết sử và phê bình nghệ thuật. Phong cách là ngôn ngữ hình thức đặc trưng bởi những dấu hiệu thường lặp lại, có cùng cách biểu thị hoặc đã trở thành motif hình thức tiêu biểu cho nét văn hóa riêng. Nếu như mốt và hiện đại là những yếu tố khách quan thuộc về lĩnh vực văn hóa xã hội đặc trưng bởi lối sống, bởi môi trường tự nhiên và khí hậu, bởi văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và trình độ sản xuất công nghiệp thì phong cách nghệ thuật là yếu tố hình thức chủ quan được tạo dựng bởi nhà thiết kế chịu tác động bởi chính những yếu tố khách quan đó.
Sử gia nghệ thuật Mỹ tên là Meyer Schapiro định nghĩa về phong cách hình dáng của sản phẩm như sau: “Phong cách có nghĩa là hình dạng bất biến (không đổi) và đôi khi là những thành phần cấu trúc hay những nét đặc biệt và sự biểu hiện lặp lại trong nghệ thuật của một cá nhân hay một nhóm. Phong cách là, trên mọi thứ, một hệ thống các hình dạng đặc trưng cho phong cách, hình dáng motif, hình dạng họ hàng hay những nét đặc biệt của sự biểu hiện được lặp lại.” Các thời đại trong lịch sử loài người, từ thời nguyên thủy tiền lưu sử cho tới thời hiện đại nhờ CMCN TkXVIII-XIX, được gọi như những phong cách thời đại hay phong cách lịch sử khi được tái hiện trong thì đương đại và thì tương lai.
Thời cổ đại với những nền nghệ thuật tạo hình và kiến trúc phân biệt bởi những nền văn minh sớm như Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy-La, Trung Hoa, Ấn Độ. Trung đại với Byzantine, Romanesque, Gothic. Cận đại với Phục Hưng Renaissance và Baroque. Khi tái lập phong cách thời đại chính là đang thực hiện một phong cách lịch sử. Thời công nghiệp hiện đại là hàng loạt những phong cách nghệ thuật như Tân Nghệ thuật Art Nouveau, Trang trí Nghệ thuật Art Deco, Chủ nghĩa Cấu trúc Nga Constructivism, De Stijl Hà Lan, Chủ nghĩa công năng Đức Functionalism, Hình thức chủ nghĩa Styling Mỹ, Phong cách Bắc Âu Scandinavian Style, Hình dáng tốt Good Form Đức, Thiết kế đẹp Bel design Ý, Nghệ thuật Đại chúng Pop Art, Chủ nghĩa tối giản Minimalism, Chủ nghĩa Hậu hiện đại Post Modernism, Công nghệ cao Hi-Tech, …
Mỗi phong cách có đặc điểm đặc trưng phân biệt. Ngôn ngữ tạo hình mà phong cách sử dụng có thể hữu hình, cụ thể, có khi chỉ là triết lý, khái niệm. Ví dụ De Stijl Hà Lan dùng 3 màu cơ bản Đỏ Vàng Xanh hữu hình nhưng Chủ nghĩa Tối giản là triết lý “Less is More” – “Ít là nhiều” trừu tượng.
Design hay nghệ thuật thiết kế xét về mặt hình thái là nghệ thuật có đặc trưng giá trị thẩm mỹ, giá trị biểu tượng bên cạnh công năng hay giá trị vật chất, giá trị sử dụng, tuổi thọ, độ bền, và đặc biệt với công nghệ sản xuất hàng loạt không được phép sai sót, vì thế vai trò ý nghĩa của design/nghệ thuật thiết kế ngày càng to lớn và có thể kết nối và chia sẻ giá trị tới các loại hình nghệ thuật khác như nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật đô thị hay nghệ thuật công cộng, …
Thông qua giá trị thẩm mỹ của mình, sản phẩm công nghiệp và tác phẩm nghệ thuật ứng dụng (designs) không chỉ bằng giá trị thẩm mỹ tự thân của sản phẩm/tác phẩm đã hình thành ngay trong quá trình thiết kế chế tạo qua những ý tưởng và giải pháp thiết kế của các nhà thiết kế và đóng vai trò quan trọng mà còn ở giá trị thẩm mỹ biểu đạt trong môi trường sử dụng, phát huy chức năng hữu dụng của mình tạo dựng môi trường sống thẩm mỹ như không gian nội thất hay kiến trúc cảnh quan. Gần hơn là giá trị thẩm mỹ của sản phẩm khi trở thành đồ vật được người dùng yêu thích, có giá trị biểu tượng, luôn gắn bó với con người, làm con người trở nên sang trọng, có giá trị, thậm trí khi không còn cần sử dụng chúng trở thành đồ vật trang trí, trưng bày trong không gian sống của con người như một kỷ vật và hoài niệm, chứ không bị vứt bỏ, lãng quên. Như một giá trị lịch sử, chúng trở thành di sản.
Thẩm mỹ công nghiệp cụ thể hóa những yếu tố Mốt, Hiện đại và Phong cách tựu chung có thể thấy qua các đặc trưng như Công nghệ chế tác thể hiện “nghệ thuật, kỹ năng, sự tinh xảo của bàn tay” và các kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp và quy trình được sử dụng trong sản xuất hay đặc trưng bởi vật liệu chế tạo bởi mỗi loại vật liệu đều có đặc trưng lý tính, hóa tính, mỹ tính và tính kinh tế. Hiểu biết các nhóm vật liệu và các kết cấu đặc trưng của chúng để thiết kế tạo dáng sản phẩm là yêu cầu quan trọng đối với các nhà thiết kế. Thẩm mỹ sản phẩm biểu hiện ở sự hợp lý và hài hòa trong sử dụng vật liệu cho các mục đích và ngữ cảnh sử dụng sản phẩm. Các thời đại lịch sử loài người đã thân thuộc với các loại vật liệu cơ bản tạo dựng nên thế giới vật chất và đến nay chúng ta quen gọi đồ vật theo loại chất liệu cấu tạo như đồ gỗ, đồ gốm, đồ thủy tinh, đồ kim khí, đồ nhựa, đồ da, …với cảm nhận vẻ đẹp “dân dã” của mỗi loại. Vẻ đẹp của sự thân quen đã trở thành nét văn hóa, phong cách văn hóa, dân tộc.
Nhiều hình thức thẩm mỹ thể hiện ở triết lý nghệ thuật được các nhà thiết kế đúc kết được triết lý sống và sáng tạo nghệ thuật của mình và biến nó thành khẩu hiệu (slogan) hoạt động nghệ thuật của mình. Nhưng có lẽ đặc trưng thẩm mỹ thể hiện rõ nhất ngôn ngữ hình thức gọi là Phong cách. Phong cách mang bản sắc văn hóa dân tộc, phong cách thẩm mỹ thời đại hay phong cách lịch sử cho tới phong cách nghệ thuật.
Quá trình tìm tòi sáng tạo, phát triển hình thức của design đã tạo ra hàng loạt phong cách nghệ thuật mà ảnh hưởng và đóng góp của nó mang đến sự thừa nhận vai trò của design như một loại hình nghệ thuật – nghệ thuật thiết kế.
Lời kết
Thẩm mỹ nghệ thuật luôn là một chủ đề gây tranh luận từ ngàn xưa thậm chí đã định hình cái gọi là “tư tưởng thẩm mỹ” duy tâm và duy vật từ thời cổ đại nhưng lý luận thẩm mỹ thậm chí nhánh triết học Mỹ học thời hiện đại ngày càng trở thành vấn đề phức tạp. Sự lên ngôi của nghệ thuật thiết kế mở rộng ý niệm thẩm mỹ đồ vật và sự xuống cấp của thẩm mỹ nghệ thuật tạo hình bởi những thể loại Nghệ thuật đương đại như Nghệ thuật sắp đặt Installation, Nghệ thuật trình diễn Perfomance, Nghệ thuật hình thể Body Art… khai thác các khía cạnh như những biến thể hay biến thái của cái đẹp… khiến cho đặc trưng thẩm mỹ nghệ thuật đôi khi không còn “chân” hay “thiện” nữa.
Sự lên ngôi của thẩm mỹ công nghiệp cùng sự xuống cấp của thẩm mỹ nghệ thuật có lẽ là một cách thông diễn tiến trình giải thiêng của nghệ thuật tinh hoa hàn lâm và sự ra đời của nghệ thuật đại chúng Pop art TkXX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Văn Bình (2022), Design – Nghệ thuật thiết kế, Nxb Thanh niên.
- Cynthia Freeland (Như Huy dịch) (2009), Như thế mà là nghệ thuật ư?, Nxb Tri thức.
- Nguyễn Quân (2004), Con mắt nhìn cái đẹp, Nxb Mỹ thuật.
- Nguyễn Quân (2020), nhìn – thấy – yêu – hiểu, Nxb Thế giới.
- Nguyễn Xuân Tiên (2009), Mỹ thuật học, Nxb TPHCM.
- Đoàn Khắc Tình (1999), Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết kiến trúc và design, Nxb Giáo dục.
- https://designmanifestos.org/
- https://en.wikipedia.org/wiki/Aesthetics
- https://www.britannica.com/topic/aesthetics
Để lại một phản hồi