Lằn Ranh Đỏ Của Nghề Thiết Kế

Trong mọi thứ cám dỗ của cuộc đời, cám dỗ khó “kết án” nhất và cũng khó cưỡng lại nhất chính là dựa vào thiết kế của người khác, rồi tùy theo tay nghề của bản thân mà biến nó thành tác phẩm của mình. Nói khó “kết án” là vì không hề dễ dàng để “chỉ mặt, đặt tên” đâu là đạo nhái, đâu là trường phái, đâu là ý tưởng lớn gặp nhau. Mọi tranh cãi, quy kết sẽ là cảm tính khi nhận thức của mỗi người đều khác nhau. Chính vì vậy, lằn ranh đỏ để xác định mức độ tối đa của việc tham khảo hay mô phỏng thiết kế có trước là điều mỗi nhà thiết kế cần tự vạch ra cho chính mình. Bước qua giới hạn đó, quý vị chắc chắn sẽ mất nhiều hơn được.

Căn nguyên của đạo nhái

Theo kinh nghiệm nghề nghiệp và thiển ý cá nhân, chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn dắt người ta vượt qua lằn ranh đỏ lúc nào chẳng biết. Nguyên nhân đầu tiên ai cũng thấy đó là “mỡ treo miệng mèo” trong thời đại internet với những tàng thư đồ họa miễn phí như Flaticon ngày nay. Một cú nhấp chuột dẫn đến muôn nghìn logo mẫu mực bày ra trước mắt như mời gọi. Và ô kìa, chiếc logo độc đáo và phù hợp nhất với khách hàng của mình chính là đây chứ đâu. Thế là… việc còn lại chỉ là đổi màu, chuyển từ bitmap thành vector, kéo đẩy chút đỉnh là đã có thể dọn sẵn bữa tiệc linh đình cho buổi thuyết trình sáng mai. Thật không còn gì tiện hơn!

Trường hợp tiếp theo là dạng “sao chép tiềm thức”. Một lần nọ, chợt nhìn thấy cách chơi quá hay quá độc đáo của một logo nào đó, nó đã ghi vào tâm trí tôi một ám ảnh đẹp khó phai. Tôi ước rằng đến một ngày tôi cũng có thể làm nên những logo tuyệt vời như thế. Để rồi khi bắt tay vào đơn đặt hàng mới, những chi tiết đường nét từ tiềm thức ấy sẽ được tái hiện lại trên bản vẽ mà nhiều khi ngay cả tác giả cũng ngộ nhận đó là ý tưởng sáng tạo của riêng mình. Đây cũng chính là hoàn cảnh của rất nhiều tác phẩm được gọi là tình ngay lý gian của những nhà thiết kế non nghề.

Minh họa: Pexels

Lại có khi, sự sao chép là cố tình, nhưng không đến từ chủ ý của tác giả mà có sự “xúi giục” của bên đặt hàng hoặc đơn giản là làm “hàng chợ” chỉ để lấy tiền cho nhanh. Anh chị nào làm giàu được với nghề mà không đôi lần tặc lưỡi “thôi kệ” sao chép theo mẫu khách hàng đưa cho xong, hơi sức đâu mà đôi co các vị “khách hàng là cha mẹ”. Cái chính là, những logo dạng ấy thì người hiểu chuyện sẽ không bao giờ đưa vào portfolio hoặc đưa đi thi thố trưng bày, trong bất kỳ ngữ cảnh nào. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là do trình độ xã hội ở Việt Nam, có yếu tố lịch sử, còn ít nhiều xa lạ với khái niệm sở hữu trí tuệ, nên bản thân những người làm thiết kế cũng không hiểu rành mạch như thế nào là bản quyền, thậm chí không ý thức được những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như kiểu chữ dùng trong logo cũng cần xác định bản quyền rõ ràng trước khi sử dụng.

Quý vị không thể phân trần vì tôi thấy đẹp, phù hợp nên vô tư sử dụng lại, chứ không ý thức được việc đó là vi phạm bản quyền, nói như thế là có phần kém tự trọng. Ngẫm cho cùng, trong bối cảnh này thì đương sự đạo nhái logo vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân – nạn nhân của não trạng không quen hành xử đúng luật chơi trong thế giới phẳng ngày nay.

Quý vị nghĩ gì khi quan sát hai logo ở mặt tiền hai căn nhà liền kề nhau?

Nhà thiết kế logo nên tìm hiểu gì?

Vậy thì khi trở thành một người hành nghề thiết kế logo, quý vị nên đồng thời tìm hiểu thêm những luật chơi cần thiết, nhất là khi chúng ta đang sống trong một hành tinh liên thông đến từng ngóc ngách của cuộc sống. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình chọn lựa ngôn ngữ thiết kế phù hợp, bắt kịp thời đại và hợp quy. Ví dụ, quý vị phải biết những quy định chung mang tính quốc tế về đăng ký sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thiết kế, cái gì có thể đăng ký bản quyền được và cái gì thì không.

Chúng tôi từng dở khóc dở cười khi phụ trách dự án cải tiến logo cho một doanh nghiệp ngành thực phẩm chế biến vì chợt nhận ra có vô số logo doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hình ảnh cá heo đội vương miện. Tất nhiên, không ai được quyền sở hữu trí tuệ hình ảnh chú cá heo, và cũng không ai cho đăng ký hình ảnh chiếc vương miện thành logo của bạn. Tuy nhiên, một tổ hợp cá heo – vương miện – tên thương mại kết hợp với nhau thành một logo duy nhất thì có thể đăng ký sở hữu bản quyền được.

Minh họa: Inspirationfeed

Tại Hoa Kỳ, quý vị có nhiều chọn lựa để bảo hộ tác quyền thiết kế với nhiều mức độ khác nhau với mức phí đóng một lần, từ logo cho đến những hình vẽ đồ họa để in áo phông, một khi đã đăng ký, bạn có thể kiện đòi bồi thường kinh tế đối với bất kỳ ai vi phạm trong phạm vi liên bang. Nếu thiết kế của bạn giống nhiều hơn 50% so với người khác, người đăng ký trước sẽ được bảo hộ. Tóm lại, những khái niệm, hình ảnh, danh từ chung thì không thể đăng ký, chỉ có thể đăng ký những hình ảnh có quy cách rõ ràng do chính bạn tạo ra và những gì được đăng ký sẽ được bảo hộ trong phạm vi bạn đã chọn.

Trở lại với vấn đề sao chép thiết kế. Như thế nào được coi là tương đồng phong cách, chấp nhận được và như thế nào là “đạo nhái”? Như đã đề cập từ đầu, thật không dễ để đưa ra một quy luật nào đó để phân định rạch ròi mà ai nấy đều ủng hộ, vì cảm nhận về thiết kế vốn khác nhau tùy gu mỗi người. Theo nhận định của chúng tôi, một logo có thể coi là sao chép nếu ý tưởng diễn đạt và thủ pháp thiết kế giống với logo trước đó một cách rõ rệt. Trong lĩnh vực thiết kế logo, sự trùng hợp về hình dạng và màu sắc là cực kỳ phổ biến vì đặc tính tinh gọn, dùng hình kỷ hà hoặc chơi với typo bằng những màu sắc nguyên bản. Tuy nhiên cũng chính vì tinh gọn mà mỗi một đường nét hình khối đều được chắt lọc vô cùng tinh tế nên không khó để chỉ ra những điểm trùng hợp hi hữu của phiên bản sao chép.

Sau tất cả, duy nhất tác giả là người rõ nhất có hay không sự cóp nhặt, ở mức độ nào. Để có thể tham gia vào cuộc chơi logo ở một tầm mức quốc tế, quý vị cũng cần tập luyện và chuẩn bị từ những chi tiết nhỏ trong việc tôn trọng bản quyền. Chẳng hạn, ngay khi có thể, hãy thuê hoặc mua các phần mềm thiết kế và font chữ để đường hoàng sử dụng cho công việc của mình.

Minh họa: Jumsoft

Tham khảo như một công cụ tìm tòi

Không ai có thể ngăn cản chúng ta tìm kiếm ý tưởng hoặc tham khảo thủ pháp thiết kế từ những người đi trước nhưng làm thế nào để luôn “giữ mình”, không sao chép công sức của người khác làm thành của mình, xem ra không dễ nhưng cũng chẳng phải là không thể làm được. Quý vị có thể dùng những logo đẹp như là một gợi ý về phương pháp để thiết kế logo của mình, và tạo nên một phiên bản mới hoàn toàn độc lập, dù có sự tương đồng. Hãy tìm kiếm nguyên liệu, đừng bưng bê cả nồi.

Chúng tôi còn nhớ, lúc trường đại học của chúng tôi tổ chức thi vẽ logo cho trường, phương án đoạt giải là của một giảng viên đồ họa trong khoa design nên chúng tôi vô cùng phấn khích và tự hào cho đến một hôm các bạn cùng lớp chuyền tay nhau tuyển tập dày cộp photocopy với mẫu logo kia chễm chệ trong sách, có những thứ mất đi không thể tìm lại.

Khi có dịp làm việc trong các đồ án thiết kế logo, chúng tôi luôn nhấn mạnh với các bạn sinh viên design rằng, mỗi một chọn lựa thủ pháp, đường nét, chi tiết, màu sắc dù là nhỏ nhất đều cần có một lý do vì sao nó phải như vậy. Khi đặt ra tiêu chí bản vẽ sau cùng phải không thể tốt hơn sau khi đã thử mọi khả năng khác, bạn sẽ có sự tự tin lập luận để giới thiệu trọn vẹn về logo đó. Mặt khác, nó cho thấy quá trình tâm huyết của một tác giả để hình thành nên đứa con tinh thần của mình. Và như thế, dù những mẫu logo quý vị thiết kế có “đẳng cấp” hay không, cũng sẽ luôn xứng đáng với sự trân trọng mà khách hàng đã chọn và sử dụng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình.

Nguyễn Trọng Thái, Chuyên gia thương hiệu

Nguồn: https://thenewviet.com/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*